CÁc bác sĩ khuyến cáo người dân không được lơ là việc vệ sinh, phòng bệnh cho trẻ ngay tại gia đình. Bởi viêm não Nhật Bản, tay chân miệng, sốt xuất huyết,… là những bệnh truyền nhiễm có xu hướng bùng phát và lây lan mạnh trong mùa hè.
x
Sợ bùng phát dịch sốt xuất huyết ở những “điểm nóng”
Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới, năm 2018 tại một số quốc gia trong khu vực châu Á và châu Mỹ La tinh, sốt xuất huyết hiện nay đã giảm so với cùng kỳ năm 2017 tuy nhiên cũng đã bắt đầu có dấu hiệu gia tăng so với các tuần đầu năm.
Tại Việt Nam, tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 20.522 trường hợp mắc, 04 trường hợp tử vong tại Bình Dương, Bình Phước, Cà Mau và Khánh Hòa. So với cùng kỳ năm 2017 số mắc cả nước giảm 41,4%, số tử vong giảm 8 trường hợp. Dù số mắc sốt xuất huyết chưa có dấu hiệu gia tăng trong các tháng đầu năm và giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2017, tuy nhiên hiện nay khu vực miền Nam, miền Trung, Tây nguyên đang bắt đầu vào mùa mưa, khu vực miền Bắc vào mùa hè... đây là điều kiện thuận lợi cho đàn muỗi truyền bệnh sinh sản và phát triển mạnh, nếu không tích cực chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống, nguy cơ phát triển nhanh các ổ dịch bệnh dẫn đến bùng phát dịch là rất cao.
Để chủ động phòng chống dịch, ngay từ đầu năm Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị với 63 tỉnh, thành phố và các Bộ, ngành nhằm triển khai và tăng cường công tác phòng chống sốt xuất huyết năm 2018, xây dựng tài liệu hướng dẫn phòng chống sốt xuất huyết tại cộng đồng dành cho cán bộ y tế cơ sở. Bộ Y tế cũng đã yêu cầu các tỉnh, thành phố tăng cường tổ chức các hoạt động hưởng ứng cao điểm ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết (15/6) cao điểm trong tháng 6/2018. Đến nay đã có 19 tỉnh, thành phố ban hành văn bản chỉ đạo, kế hoạch triển khai hoạt động hưởng ứng ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết, các tỉnh thành phố khác cũng đang tích cực chuẩn bị.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Bộ sẽ tổ chức 8 đoàn công tác đi kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại 16 tỉnh, thành phố trọng điểm do Lãnh đạo các Cục và các Viện làm Trưởng đoàn.
Tại Hà Nội, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, Sở Y tế tổ chức giao ban công tác y tế dự phòng quý I, triển khai nhiệm vụ quý II năm 2018, chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác chủ động phòng chống dịch bệnh đặc biệt là dịch sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết và các dịch bệnh mùa hè khác. Các quận, huyện, thị xã tiếp tục tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy phòng chống sốt xuất huyết và vệ sinh môi trường khử khuẩn phòng chống tay chân miệng.
Trạm y tế xã phường thị trấn tiếp tục triển khai công tác tiêm chủng hàng tuần theo quy định. Tiến hành điều tra xử lý tại cộng đồng các ca bệnh ghi nhận trong tuần như sốt phát ban nghi sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng, ho gà, não mô cầu. Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội tiếp tục thực hiện tốt việc đo thân nhiệt hành khách nhập cảnh qua sân bay quốc tế Nội Bài để chủ động kiểm soát các dịch bệnh nguy hiểm có nguy cơ xâm nhập, đồng thời phối hợp với trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã thường xuyên cử cán bộ y tế vào các bệnh viện được phân cấp trên địa bàn để chủ động giám sát ca bệnh, kịp thời tham mưu cho các cấp về diễn biến tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống dịch.
Chú ý phòng bệnh tại nhà, tại khu vui chơi công cộng
Mặc dù kỳ nghỉ hè của con trẻ đã tới, nguy cơ lây bệnh từ trường học cũng giảm đi được phần nhiều tuy nhiên sự lây lan bệnh từ các khu vui chơi, các địa điểm công cộng vẫn đang còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường. Ngoài sốt xuất huyết, tay chân miệng cũng là bệnh có nguy cơ bùng phát mạnh vào dịp hè, khi mà chưa có vắc xin phòng bệnh. Đặc biệt tình trạng nhiều người chủ quan cho rằng học sinh đã nghỉ hè nên nguy cơ lây bệnh trong trường học sẽ không còn qua đó khả năng con mắc, lây bệnh sẽ giảm.
Tuy nhiên, thực tế trẻ có thể mắc bệnh ở bất cứ đâu, đặc biệt trong mùa hè các khu vui chơi, giải trí như nhà bóng, bể bơi,... là nơi tập trung đông đúc các trẻ nhỏ. Ở những nơi này nếu các vật dụng, đồ chơi không được lau chùi, vệ sinh khử khuẩn thường xuyên sẽ là yếu tố làm lây lan dịch bệnh. Thực tế đã có rất nhiều gia đình cho biết, trẻ sốt, phát ban khắp người sau khi đi chơi công viên, trung tâm thương mại hoặc bể bơi.
Không những vậy, mùa hè, cụ thể từ tháng 5 đến tháng 9 hằng năm là giai đoạn cao điểm của bệnh viêm não Nhật Bản. Theo Ths.Bs Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương, viêm não Nhật bản là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây qua muỗi đốt, bệnh thường gây viêm não, màng não ở trẻ em, có tỉ lệ tử vong và di chứng cao (từ 25-35%).
Viêm não Nhật Bản thường khó phát hiện sớm do các triệu chứng ban đầu rất giống với những viêm nhiễm khác. Tuy nhiên, đến ngày thứ hai hay thứ ba của bệnh thì triệu chứng biểu hiện rõ dần như: sốt cao đột ngột, buồn nôn, nôn khan, đau đầu, phản ứng lờ đờ, chậm chạp. “Viêm não Nhật Bản diễn tiến rất nhanh, có thể sau 3 ngày, thậm chí 1 ngày, bệnh nhân đã có biểu hiện co giật, rơi vào hôn mê, phải thở máy, có thể chỉ 1-2 ngày là trẻ tử vong”, bác sĩ Hải cho hay.
Ngoài ra, điều đáng sợ đối với bệnh nhân mắc viêm não Nhật Bản là những di chứng thần kinh về sau. Những di chứng này khiến người bệnh giảm khả năng giao tiếp, giảm hoặc mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Bác sĩ khuyến cáo, hiện tiêm chủng là biện pháp tốt nhất để phòng viêm não Nhật Bản. Tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản đã có trong chương trình tiêm chủng quốc gia do đó các bậc phụ huynh nên lưu ý phòng ngừa bệnh bằng tiêm vắc xin đầy đủ cho trẻ từ khi trẻ còn nhỏ theo thời gian: Mũi 1 khi trẻ một tuổi; mũi 2: sau mũi một từ 1-2 tuần; mũi 3: một năm sau khi tiêm mũi hai.
Đa phần, các bệnh mùa hè có thể gây tử vong và tạo thành dịch lớn. Do đó, mỗi bậc phụ huynh cần chú ý vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở sạch sẽ, đặc biệt nên ngủ màn, không cho trẻ chơi gần chuồng vật nuôi tránh ô nhiễm, đề phòng muỗi đốt. Khi trẻ sốt cao cùng với các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh trung ương, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Xem thêm:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét