Thứ Hai, 17 tháng 2, 2020

Công thức làm thịt bò xào rau củ bắt mắt sang trọng

Món thịt bò xào rau củ là món ăn không chỉ xuất hiện trong mâm cơm hàng ngày mà còn là món được nhiều gia chủ lựa chọn cho thực đơn mâm cỗ của mình. Thịt bò xào rau củ bắt mắt với đủ màu sắc, vừa ngọt mềm hấp dẫn. Chỉ với chưa đến 15 phút, bạn đã có thể tự tay chế biến món ngon này rồi, hãy cùng trổ tài với công thức từ đầu bếp Nấu cỗ 29 dưới đây nhé. 

Thịt bò xào với rau củ loại nào thì ngon và hợp vị nhất?

Thịt bò là loại thực phẩm quen thuộc, có giá trị dinh dưỡng cao và rất tốt cho sức khoẻ. Với vị mềm ngọt tự nhiên, thịt bò có thể chế biến thành rất nhiều món ăn ngon miệng hấp dẫn. Một trong những cách chế biến được lòng nhất chính là thịt bò xào rau củ, không chỉ trong những mâm cơm hàng ngày mà còn rất hợp trong các mâm cỗ, bữa tiệc sang trọng. 

Vậy nên xào thịt bò với loại rau củ nào? Thịt bò có vị ngọt, thịt mềm nên hợp vị với hầu hết tất cả các loại rau củ quả. 

Tuy nhiên, để đĩa thịt bò xào được sang trọng, bắt mắt nhất, bạn nên lựa chọn các loại rau củ với nhiều màu sắc khác nhau nhé. Màu tái chín của thịt bò kết hợp với sắc vàng, đỏ của ớt chuông, xanh thẫm của súp lơ, trắng của hành tây, cà rốt đỏ sẽ vô cùng đẹp mắt. 

Bên cạnh đó, để món ăn ngon nhất, bạn có thể kết hợp nhiều hương vị cho món ăn bằng vị chua thanh của dứa chín, cà chua và cay nồng của ớt, hạt tiêu nhé.

Thịt bò xào rau củ cho mâm cỗ

Công thức chế biến thịt bò xào rau củ ngon như nhà hàng

Cách làm món ăn này rất đơn giản, song cũng cần một chút khéo léo trong cách chế biến. Bởi thịt bò nếu xào không đúng cách sẽ khiến thịt bị dai, khô khó ăn. 

Chuẩn bị nguyên liệu

Tuỳ theo sở thích của mỗi người mà có thể chuẩn bị các nguyên liệu rau củ quả khác nhau. Dưới đây, chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn cách chế biến ngon, đẹp và sang trọng nhất. 

Các nguyên liệu cần chuẩn bị gồm:

  • Thịt thăn bò ngon: 300g

  • Súp lơ xanh: 1 cây

  • Cà rốt: 1 củ nhỏ

  • Ớt chuông: ½ quả màu đỏ, ½ quả màu vàng

  • Dứa chín tới: ½ quả

  • Cà chua: 1 quả chín vừa

  • Ớt sừng, gừng, tỏi, rau mùi

  • Gia vị gồm nước mắm ngon, hạt tiêu, dầu mè, mì chính,...

Sơ chế nguyên liệu và ướp thịt

Bí quyết để thịt bò xào mềm ngọt, không khi dai mà thấm vị chính là ở khâu ướp thịt. Trước tiên, bạn cần ướp thịt, song song với đó bạn sơ chế rau củ quả để tiết kiệm thời gian.

  • Thịt bò thái lát mỏng, miếng to bản.

  • Gừng, tỏi băm nhuyễn.

  • Ướp thịt bò với ½ hỗn hợp gừng, tỏi, 2 thìa cafe dầu hào, 1 thìa cafe dầu ăn, 3 thìa nước mắm ngon, 1 thìa cafe hạt tiêu trong 15 - 20 phút.

  • Súp lơ xanh cắt miếng nhỏ, tách từng bông nhỏ. 

  • Cà rốt tỉa thành hoa, cắt thành lát mỏng vừa.

  • Ớt chuông bỏ hạt, cắt thành từng miếng to vừa ăn.

  • Dứa gọt vỏ, bỏ mắt, cắt thành từng lát mỏng.

  • Cà chua thái múi cau to.

Bò xào rau củ ngon bắt mắt

Chế biến món ăn

Món thịt bò xào rau củ ngon nhất là khi vừa chín sốt, còn nóng hổi, bởi thịt bò để nguội sẽ bị dai, khô. Do đó, bạn chỉ nên sơ chế trước, khi gần ăn bạn hãy chế biến nhé.

  • Bắc chảo nóng, cho dầu ăn và phi thơm tỏi cùng gừng. Cho thịt bò vào xào nhanh tay cho đến khi chín tái (khoảng 4 - 5 phút) rồi trút ra đĩa.

  • Tiếp tục phi thơm tỏi, cho súp lơ, ớt chuông, cà rốt vào xào trước.

  • Sau đó cho dứa, cà chua vào đảo cùng, nêm nếm thêm một chút nước mắm, bột ngọt.

  • Đến khi rau củ chín tới thì cho thịt bò vào đảo nhanh trong khoảng 1 phút. Nêm nếm lại gia vị vừa miệng.

  • Cuối cùng cho rau mùi vào.

Món thịt bò xào rau củ này ngon nhất là khi ăn nóng. Mùi thơm của rau củ, vị ngọt mềm của thịt, cay nồng của hạt tiêu sẽ rất thích hợp cho bữa cơm ngày cuối tuần.

Không cần hàn the, đây là cách làm giò chả ngày Tết giòn chắc thơm ngon nhất

Nhắc đến ngày Tết truyền thống, người ta nghĩ ngay đến những khoanh giò, lát chả mềm ngọt, thơm ngon. Trong ẩm thực Việt Nam, có nhiều loại giò chả khác nhau, có thể kể đến giò thủ giòn sật, giò lụa ngọt mềm, chả quế vàng thơm,... Cùng học cách làm món giò chả an toàn cho sức khoẻ, không cần dùng hàn the cùng đầu bếp Nấu cỗ 29 nhé.

Giò chả - Món ăn truyền thống của dân tộc

Giò chả là món ăn rất quen thuộc trong ẩm thực của cả 3 miền đất nước Việt Nam. Món ăn này có thể xuất hiện trong bữa cơm hàng ngày nhưng cũng là món ăn không thể thiếu trong các dịp lễ Tết, những mâm cỗ giỗ chạp, cưới xin, tiệc tùng,...

Chả giò món ăn không thể thiếu cho ngày tết

Mỗi một loại giò chả đều có vị ngon riêng biệt. Nhiều người yêu thích miếng giò lụa mềm mềm, chắc mà ngọt, cũng có người thích giò thủ béo ngậy, giòn sật, và miếng chả quế béo thơm cũng hấp dẫn người ăn không kém. 

Trong dịp Tết cổ truyền, món giò lụa được nhiều gia đình lựa chọn trong mâm cỗ và mâm cúng của mình. Dưới đây, đầu bếp Nấu cỗ 29 sẽ hướng dẫn bạn cách làm giò chả ngày Tết ngon, ngọt, không bã, và đặc biệt hoàn toàn không sử dụng hàn the nhé. 

Nguyên liệu làm giò lụa 

Để làm được giò lụa dai ngon, mềm ngọt mà không cần dùng đến hàn the thì nguyên liệu và cách chế biến đòi hỏi nhiều bí quyết. 

Các nguyên liệu bạn cần chuẩn bị gồm:

  • 500g thịt lợn 

  • 30g bột năng

  • 15g bột nở

  • Gia vị gồm nước mắm ngon, đường, hạt nêm, hạt tiêu thơm

  • Lá chuối dùng để gói giò, giấy bóng hoặc màng bọc thực phẩm

  • Nước đá lạnh

Bí quyết khi chọn nguyên liệu cho bạn là: nên chọn phần thịt đùi sau hoặc thịt mông, có cả nạc và một phần mỡ. Ngon nhất là lấy phần thịt vừa mới mổ từ lò, còn nguyên khối săn chắc, còn nóng hổi càng tốt. Lưu ý nếu dùng thịt heo chỉ toàn phần nạc hay đông lạnh sẽ khiến giò bị khô, không kết dính.

Bí quyết cách làm giò chả ngày Tết dai ngon hấp dẫn

Tiếp đến, là khâu chế biến giò, dưới đây là công thức chuẩn từ đầu bếp của chúng tôi.

  • Thịt lợn, rửa sạch, để ráo nước sau đó cắt thành từng khúc nhỏ để việc xay nhuyễn thuận tiện.

  • Xay nhuyễn thịt heo cho đến khi được hỗn hợp giống giò sống, để vào ngăn đá tủ lạnh trong khoảng 40 phút.

  • Lấy thịt lợn ra, cho bột năng, bột nở, 1 thìa nước mắm, 1 thìa cafe hạt tiêu, ½ thìa đường, 1 thìa hạt nêm cho vào máy xay khoảng 15 giây.

  • Cho 1 ít nước đá tan thật lạnh vào, xay tiếp 10 giây rồi dừng lại, tiếp tục cho thêm 1 ít nước đá. Cứ tiếp tục cho đến khi thịt chuyển sang màu trắng hồng, hỗn hợp có độ kết dính, dẻo là đươc.

Lưu ý, thịt sau khi xay phải đạt chuẩn như trên thì thành phẩm mới ngon, dai và chắc được. Bên cạnh đó, bạn có thể cho một ít hạt tiêu nguyên hạt vào để tăng vị cay the, thơm nồng cho giò.

Sau đó, bạn tiếp tục gói giò trong lá chuối.

  • Lá chuối tươi, rửa sạch, hơ qua lửa cho mềm và dẻo để gói giò không bị rách. 

  • Trải lá chuối lên bàn, lót thêm lớp giấy bọc bên trên, cho giò sống vào giữa. 

  • Cách gói giò tương tự như gói bánh tét, bạn gói 2 mép lá chuối lại, gấp 1 đầu, sau đó dựng đứng giò lên, dùng tay nén chặt giò lại và gấp lại. Tiếp tục cột dây gói giò chặt tay.

  • Hấp cách thuỷ giò 30 - 45 phút, vớt ra để ráo nước.

Để giò có tạo hình khoanh tròn đẹp mắt, bạn nhớ khi giò còn hơi nóng thì lăn đều trên mặt bàn vài lần trước khi cắt khoanh giò nhé. 

Bạn thấy đấy, không cần hàn the gây hại cho sức khoẻ, chỉ với cách làm giò chả ngày Tết trên đây bạn hoàn toàn có thể tự tay chế biến khoanh giò dai chắc hấp dẫn rồi. Chúc bạn thành công.

Khám phá nét đặc trưng của mâm cỗ ngày Tết miền Trung

Trong không khí rộn ràng của ngày Tết, mọi người trong gia đình đều tất bật chuẩn bị mâm ngũ quả và mâm cỗ để cúng Tết. Mâm cỗ ngày Tết chứa đựng nhiều giá trị thiêng liêng và ý nghĩa trong tín ngưỡng thờ phụng tổ tiên của người dân Việt Nam. Hôm nay hãy cùng chúng tìm hiểu xem mâm cỗ ngày tết miền trung có những món ăn gì nhé.

Miền Trung với thời tiết khắc nghiệt, khí hậu đặc trưng nên nét văn hóa ẩm thực cũng sẽ sự khác biệt phù hợp với tinh thần tiết kiệm, san sẻ của con người miền Trung. Điều này thể hiện qua việc những món ăn được chia ra thành từng đĩa nhỏ, mỗi thứ một ít và bày biện trên chiếc mâm tròn. Vậy mâm cỗ ngày tết miền Trung có những món gì độc đáo và đậm chất người dân miền Trung?

Mâm cỗ tết miền Trung

Bánh chưng, bánh tét

Bánh chưng và bánh tét là bánh cổ truyền tuyệt đối không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền và ở miền Trung cũng thế.

Món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết miền Trung là bánh chưng và bánh tét. Bánh có màu xanh thẫm với mùi thơm của nếp cái, nhân bánh được làm từ gạo nếp, thịt lợn và đậu xanh, sau đó được gói bằng lá giong xanh.

Nếu bánh chưng theo khuôn mẫu hình vuông tượng trưng cho đất thì bánh tét lại có hình trụ dài và tròn, tượng trưng cho trời tương tự như bánh dày.

Nem chua

Trong mâm cỗ ngày Tết của nhiều tỉnh miền Trung không thể thiếu đi những bó nem chua nho nhỏ. Nem được làm từ thịt lợn xay nhuyễn, trộn với bì, gia vị, tỏi thái lát và lá đinh lăng rồi ủ chua cho lên men đến chín là ăn được. Nem chua có vị chua thanh, giòn giòn và cay cay. Đã ăn một rồi lại muốn ăn nhiều thêm nữa.

Giò bò

Ngoài nem chua, trong mâm cỗ ngày Tết của gia đình miền Trung không thể thiếu đi khoanh giò bò nâu đỏ, xen lẫn là những hạt tiêu sọ đen. Miếng giò bò giòn, có đầy đủ vị mặn, ngọt của thịt và vị cay thơm nồng đặc trưng của tiêu sọ, để lại dư vị không thể nào quên. Trong bàn tiệc để đãi khách, người thân vào những ngày đầu xuân của người dân miền Trung thường có vài khoanh giò bò thơm ngon này.

Thịt ngâm mắm

Người miền trung dùng thịt heo/thịt bò nấu chung với nước mắm đường theo một tỉ lệ nhất định. Thịt được ngâm nguyên miếng trong hỗn hợp vài ngày cho ngấm gia vị, khi ăn thì thái từng lát mỏng dùng chung với bánh tét, cơm, dưa món hoặc cuốn chung với bánh tráng. Món ăn này không chỉ rất ngon mà còn có thể bảo quản được trong rất nhiều ngày.

Dưa món món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày tết

Dưa món

Để dung hòa các món ăn trong mâm cỗ ngày Tết miền Trung, có lẽ gia đình nào cũng có món dưa hành muối. Ở miền Trung, dưa món có phần khác so với miền Bắc và miền Nam, gồm đu đủ xanh, su hào, củ cải trắng, củ kiệu, cà rốt và tỏi ớt được muối lên, ăn chua giòn và đậm vị.

Bánh nổ

Bánh nổ là một món ăn chơi dân dã, được người dân miền Trung sử dụng trong dịp Tết. Bánh nổ làm từ bỏng ngô được trộn chung với đường, gừng giã nhuyễn rồi nén chặt vào khuôn ghỗ. Khi ăn thì cắt bánh thành từng khối vuông nhỏ. Bánh này thường được dùng để mời khách dùng chung với trà. Bánh giòn rụm và thơm thơm, cắn một miếng thì tan nhanh trong miệng.

Ngoài ra, trong mâm cỗ Tết miền Trung còn có nhiều món bánh đặc sắc riêng từng vùng miền như bánh in (Bình Định), bánh tổ (Quảng Nam), bánh su sê hay phu thê (Huế), bánh lá răng bừa (đặc sản Thanh Hóa), mứt gừng,...

Hi vọng những món ăn trong mâm cỗ ngày tết miền trung mà chúng tôi chia sẻ sẽ giúp bạn hiểu hơn về văn hóa con người của người Miền Trung của đất nước. Nếu một lần có cơ hội, hãy ghé thăm ngày dải đất miền Trung nắng gió trong dịp Tết nguyên đán nhé!

Cách làm thịt nấu đông thơm ngon mà không bị ngán

Bước vào những ngày đông giá lạnh thì thịt đông luôn là món ngon truyền thống được nhiều người yêu thích. Không chỉ trong bữa cơm hàng ngày mà món thịt đông còn là một trong những món ăn đãi khách ngày lễ tết cổ truyền của người Việt. Cách làm món thịt đông rất đơn giản, kẹp thêm miếng dưa muối chua ngọt khiến người người mê mẩn. Cùng chúng tôi học cách nấu món thịt đông ngay trong bài viết dưới đây nhé.

Thịt nấu đông - món ăn ngon Tết truyền thống

Trong ngày Tết, bên cạnh dưa hành, củ kiệu, món thịt đông cũng là món không thể thiếu trong đặc trưng ẩm thực miền Bắc. Ngày nay, nhờ sự giao thoa ẩm thực mà rất nhiều món ăn ngon đã lan rộng khắp mọi miền, thịt đông là một trong số đó. 

Đây là món ăn ngon, mang vị béo của thịt và vị ngọt của nấm (mộc nhĩ). Món thịt nấu đông rất giàu chất đạm nhưng ăn lại không ngán, không ngấy và rất dễ ăn, đặc biệt ngon hơn khi thưởng thức cùng cơm nóng. 

Thịt nấu đông món ngon ngày tết

Nguyên liệu món thịt đông

Món thịt đông có rất nhiều biến tấu, nếu thích bạn có thể sử dụng thịt lợn, ngon nhất là phần thịt chân giò hoặc thịt ba rọi, hoặc cũng có thể chọn thịt gà, thịt vịt, thịt ngan,... nếu muốn. 

Dưới đây là cách làm món thịt đông truyền thống với nguyên liệu chính là thịt lợn và bì lợn.

  • Thịt chân giò rút xương  ½ kg. Bạn có thể sử dụng thịt ba rọi nếu muốn.

  • Bì lợn: 200 gram

  • Cà rốt để trang trí: 1 củ

  • Hành củ: 2 củ

  • Mộc nhĩ: 1 túi nhỏ

  • Hạt tiêu và nước mắm ngon.

Công thức cách làm món thịt đông ngon mềm

Món thịt đông chỉ với vài nguyên liệu cơ bản, chế biến cũng đơn giản nhưng để thịt được mềm và ngọt thì cần khá nhiều thời gian để hầm thịt. 

  • Chân giò rút xương cạo thật sạch lông, rửa sạch rồi đem thái thành miếng nhỏ bằng khoảng 3 đầu ngón tay.

  • Tiếp theo, bạn đem chỗ thịt đã thái cho vào nồi rồi luộc qua trong vòng 2 phút để loại bỏ hết các chất bẩn và đem rửa sạch lại với nước lạnh rồi để cho ráo nước.

  • Bì heo cạo sạch lông và thái chỉ thành từng miếng dài nhỏ. 

  • Mộc nhĩ bạn ngâm với nước để cho nở ra rồi cắt thành từng miếng nhỏ vừa phải.

  • Bạn cho hành vào chảo phi thơm vàng nên rồi cho hết chỗ thịt và bì heo vào đảo xào đều cho đến khi săn lại.

  • Cho thêm nước mắm, gia vị vào cho ngấm đều. 

  • Sau đó, đổ thịt và bì heo đã xào vào trong một cái nồi để nấu (bạn có thể dùng nồi áp suất để tiết kiệm được thời gian nấu).

  • Đổ nước cho ngập mặt thịt, khi đun nước sôi thì bạn phải hớt bỏ hết bọt (hớt sạch bọt thì món ăn của bạn mới ngon và không bị đục). 

  • Sau khi bạn đun được khoảng 15 phút thịt chín mềm, bạn có thể mở nắp nồi ra và tiếp tục cho mộc nhĩ và hạt tiêu rang đã đập dập vào trong nồi. Sau đó, bạn tiếp tục đun thêm 10 phút nữa là được.

Đem cà rốt rửa sạch rồi tỉa thành những bông hoa nhỏ để lót dưới đáy tô trang trí cho món ăn thêm phần bắt mắt. Khi thịt nguội thì bạn đổ thịt vào trong tô, sau đó đặt vào trong tủ lạnh trong vòng 4 tiếng đồng hồ là thịt đông lại. 

Sau khi để lạnh, lúc này phần nhựa thịt từ món ăn sẽ kết dính các nguyên liệu lại với nhau tạo thành một thể đồng nhất. Lúc ăn bạn chỉ cần thái từng lát thịt đông ra, ăn cùng với dưa cải muối chua sẽ rất hợp vị.

Như vậy, bạn đã hoàn thành xong món ăn với cách làm món thịt đông vô cùng chi tiết. Hãy thưởng thức những miếng thịt đông cắt từng khúc kèm với cơm nóng nhé! 

Mâm cơm cúng gồm những món gì cho ngày đám giỗ trọn vẹn

Mỗi năm, ngày cúng giỗ là ngày tưởng nhớ người đã mất, được tính theo Âm lịch. Đây cũng là ngày để mọi người thể hiện tình cảm, lòng hiếu kính với người đã khuất. Vì vậy mâm cơm cúng cũng được quan tâm nhiều hơn. Vậy mâm cơm cúng gồm những món gì dâng lên tổ tiên? Hãy cùng theo dõi bài viết của chúng tôi dưới đây nhé!

Ý nghĩa của việc cúng giỗ cho người đã mất

Từ xưa đến nay, việc cúng giỗ ông bà luôn là một nét văn hóa của người Á Đông nói chung và người Việt nói riêng. Nó được truyền từ đời này sang đời khác. Bất kỳ ai cũng không được quên và không thể quên những ngày này. Bởi đây là ngày con cháu tưởng nhớ, tỏ lòng hiếu kính với người đã mất.

Bên cạnh đó, ngày giỗ cũng là dịp để con cháu sum vầy, tụ tập bên nhau. Việc này sẽ giúp gắn kết tình cảm gia đình, dòng họ, anh em, đồng nghiệp. Vì thế, dù bạn có hay không có điều kiện, bạn làm giỗ lớn hay nhỏ cũng được. Chỉ tuyệt đối một điều, bạn không được quên ngày làm giỗ. Mâm cơm cúng gồm những gì cho ngày này là điều vô cùng quan trọng cần biết.

Và để mâm cúng giỗ được trọn vẹn, không sai sót gì và luôn được chu đáo. Tất cả các thành viên trong đại gia đình thường ngồi họp bàn với nhau. Mọi người sẽ bàn về thực đơn mâm cơm cúng giỗ trước đó một ngày và những công việc cần làm là gì.

Mâm cơm cúng đơn giản

Chuẩn bị trước cho ngày cúng giỗ

Ở mỗi vùng miền sẽ có phong tục làm giỗ và cách làm giỗ khác nhau. Tuy nhiên, đều phải chuẩn bị những công việc dưới đây trước khi làm giỗ:

  • Họp gia đình, phân công công việc, bàn bạc lên thực đơn;

  • Mời khách , làng xóm, họ hàng;

  • Đi chợ để mua thực phẩm và lên món cho mâm cúng;

  • Mượn trước xoong nồi, bát đĩa trước (nếu gia đình không có đủ)

  • Dựng rạp ngồi sẵn, sắp xếp bàn ghế cho từng bàn;

  • Cuối cùng, điều quan trọng là việc tính toán số tiền góp giỗ. Được xem xét thật kỹ và trên cơ sở tùy tâm, không chia đều.

Mâm cơm cúng gồm những gì cho ngày giỗ

Thực đơn cho mâm cỗ cúng ngày giỗ thường có bát canh, giò chả, thịt gà, nem, đĩa rau củ xào, đĩa thịt heo quay/chiên,…Một số gia đình còn cho thêm đĩa cá rán, bánh chưng, thêm món xôi chè.

Khi thắc mắc về mâm cơm cúng gồm những gì, chúng ta sẽ xem xét tùy thuộc vào từng vùng miền. Ví dụ như:

  • Ở miền Bắc mâm cúng giỗ thường có những món quen thuộc như: Cơm, chả quế, xôi, giò heo, thịt quay, các món nộm, gà luộc và chè.

  • Mâm cơm cúng ở miền Trung thì các gia đình thường cầu kỳ hơn. Mâm cúng thường có: Thịt gà, các món cá, thịt vịt hoặc tôm nem chả, canh bún.

  • Ở Miền Nam, các gia đình thường sẽ lên thực đơn đầy đủ 4 món: Hầm, xào, thịt luộc, kho.( Món thịt ba chỉ, kho thịt heo, xào với rau cải đồ lòng….)

Đặc biệt, riêng với các gia đình miền Nam, phong tục cúng giỗ thường không chỉ cúng cho cha mẹ. Ở đây còn cúng cho tổ tiên đời ông cố và mọi người cũng được tham dự. Chính vì vậy, thức ăn trên mâm cỗ giống nhau khi cúng 3 mâm ở 3 bàn thờ (bên trái, giữa và bên mặt), hoặc 1 bàn thờ.

Những lưu ý khi làm mâm cơm cúng

Bạn đã tham khảo mâm cơm cúng gồm những món gì và chuẩn bị đầy đủ. Tuy nhiên khi làm mâm cơm cúng giỗ bạn cần lưu ý vì có những món ăn nên tránh chọn cho người mất. Đồng thời, có những món mà người khuất không thích ăn ngày còn sống. Cụ thể như:

  • Tuyệt đối không nêm nếm hay ăn thử thức ăn trong khi nấu để làm cơm cúng gia tiên.

  • Trên mâm cơm cúng bạn không nên đặt những món sống, món gỏi hay có mùi tanh.

  • Các món từ cá mè, cá sông cúng không để lên mâm cúng.

  • Mâm cơm cúng trên bàn thờ cần phải được đặt riêng. Đồng thời bày trên những bát, đĩa mới. Tốt nhất mỗi gia đình nên có bộ bát đũa riêng cho việc cúng bái. Điều này sẽ tránh được việc dùng chung với chén đũa thừa mà bạn sử dụng hàng ngày.

  • Không sử dụng các món ăn đặt sẵn ngoài nhà hàng, đồ đóng hộp để vào mâm cơm cúng.

Vậy là bạn đã biết được mâm cơm cúng gồm những món gì và những món cần kiêng kị không nên bỏ vào mâm cúng. Hãy chuẩn bị thật kỹ cho mâm cúng gia tiên để bày tỏ được lòng thành và sự tôn kính với tổ tiên nhé!