Thứ Hai, 10 tháng 2, 2020

Khám phá câu chuyện bánh chưng dưa hành ngày tết

Bánh chưng dưa hành ngày Tết là ẩm thực truyền thống của mọi nhà mọi miền trên đất nước Việt Nam từ xa xưa đến nay. Bạn có biết, chính sự kết hợp tinh tế, hài hòa giữa hương vị chua thanh của dưa hành đã giúp món bánh chưng trở nên thêm phần hấp dẫn. Nhưng bạn có bao giờ thắc mắc rằng, vì sao lại có sự kết hợp bánh chưng dưa hành ngày Tết chưa? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc.

Bánh chưng dưa hành ngày Tết là ẩm thực truyền thống Việt

Ông bà ta đã có câu “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ - Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Mâm cơm trong ngày Tết của các gia đình người Việt qua bao thế hệ đã có nhiều thay đổi. Nhưng dù thế nào cũng không thể thiếu đi món bánh chưng (bánh tét) và dưa hành (củ kiệu ở miền Nam và dưa món ở miền Trung). 

Bánh chưng dưa hành ngày tết

Những ngày Xuân, bánh chưng bánh tét xanh là “quốc ẩm" mà nhà nhà đều chuẩn bị để đón Tết mới. 

Đi kèm với đĩa bánh chưng bao giờ cũng phải có dưa hành muối (hoặc củ kiệu chua, dưa món). 

Tại sao bánh chưng lại luôn song hành với dưa hành?

Chúng ta thường nghĩ rằng, bánh chưng dưa hành ngày Tết là 2 món ăn cổ truyền nên mâm cơm Tết không thể thiếu chúng. Mà không mấy ai nhận ra lý do thật sự khiến 2 món ăn này không thể tách rời nhau. 

Lý giải vấn đề này, xét về mặt dinh dưỡng tuy bánh chưng có đầy đủ 4 nhóm thực phẩm chất bột đường (gạo nếp), nhóm chất đạm (đỗ xanh), nhóm chất béo (thịt lợn), nhóm vitamin và khoáng chất (hành củ; hạt tiêu...). Nhưng tỷ lệ dinh dưỡng lại chưa cân đối và loại bánh này lại thiếu chất xơ. 

Do đó để đảm bảo dinh dưỡng, các chuyên gia dinh dưỡng khuyên cần bổ sung loại thực phẩm này để giúp bổ sung thêm chất xơ cho cơ thể. 

Bên cạnh đó, vị chua dịu, cay nhẹ và thơm của dưa hành sẽ giúp gia tăng hương vị của các món ăn khác. Đặc biệt kích thích tiêu hóa khi bạn ăn thực phẩm nhiều đạm, lipid và chất béo… như bánh chưng, bánh tét.

Ẩm thực của người dân Việt luôn coi trọng sự hài hòa, cân bằng trong hương vị vì thế đi kèm với sự đậm đà và ngậy béo của bánh chưng, thịt mỡ… không thể thiếu món dưa hành, củ kiệu hay dưa món thanh thanh và chua mát.

Có nên ăn nhiều bánh chưng và dưa hành không?

Mặc dù là sự kết hợp hoàn hảo và là món ăn được người người nhà nhà yêu thích, song nhiều người thắc mắc có nên ăn nhiều món ăn này không?

Các chuyên gia dinh dưỡng cũng cho biết, bạn không nên ăn quá nhiều bánh chưng, bánh tét với dưa hành, củ kiệu. Bởi lượng đạm và lượng muối trong 2 loại thực phẩm có thể sẽ gây hại cho sức khỏe bạn như tăng tiết dịch vị axit dạ dày, dễ bị đầy bụng, ợ chua và khó tiêu…

Lượng dinh dưỡng, chất đạm, chất béo hay muối quá cao trong cơ thể có thể gây ảnh hưởng không tốt đến tim mạch… Do vậy, trong những ngày Tết, bạn nên ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ, hạn chế ăn nhiều đồ béo, đồ ngọt để cơ thể luôn được khỏe mạnh, vui chơi trong dịp Tết.

Như vậy, bánh chưng dưa hành ngày Tết là một cách kết hợp đơn giản được lưu truyền từ xa xưa. Chúng ta có thể thấy được nét đẹp văn hoá ẩm thực không chỉ là hài hoà về màu sắc mà còn là sự kết hợp tuyệt vời để bảo vệ sức khoẻ.

Mâm cỗ ngày tết ở miền Nam có gì độc đáo?

Ở mỗi miền sẽ có phong tục, tập quán ăn uống khác nhau nên mâm cỗ ngày Tết cũng sẽ khác nhau. Giống như phong tục ở mọi miền đất nước, con người miền Nam cũng có các món ăn đặc trưng mang đậm bản sắc văn hóa riêng trong ngày Tết. Hãy cùng khám phá mâm cỗ ngày tết miền Nam có gì đặc sắc trong bài viết dưới đây.

Bánh tét

Trong khi bánh tét ở miền Trung theo sự giản dị, chỉ khác bánh chưng về hình dáng, thì bánh tét ở miền Nam được sáng tạo rất nhiều. 

Bánh tét miền Nam có 2 loại chính là bánh tét nhân mặn và nhân ngọt. Nhân mặn ngoài loại có đậu và thịt mỡ truyền thống, nhiều nhà gói bánh tét còn có trứng muối, lạp xưởng… với nhiều khẩu vị khác nhau. 

Bánh tét món ăn không thể thiếu ngày tết của người miền nam

Trong khi đó bánh tét nhân ngọt phổ biến với nhân chuối, đậu đỏ hay đậu xanh. Bánh tét miền Nam, nhất là miền Tây Nam Bộ rất bắt mắt, ngoài cách gói vuông vức, chắc đẹp, nếp nấu bánh còn được nhuộm màu rau ngót và lá cẩm để tạo nên màu sắc nổi bật, hấp dẫn. 

Canh khổ qua

Một nét độc đáo trong mâm cỗ ngày Tết miền Nam không thể không nhắc đến là canh khổ qua. Thường chỉ có người dân miền Nam mới có phong tục trưng bát canh khổ qua trong mâm cơm ngày Tết.

Theo quan niệm của người dân miền Nam thì canh khổ qua là món ăn với mong ước sẽ qua đi sự cơ cực, không may mắn và bắt đầu một năm mới tươi sáng. 

Chả giò (nem rán)

Và tất nhiên khi chúng ta điểm danh các món ăn trong mâm cỗ ngày Tết miền Nam không thể thiếu sự góp mặt của chả giò hay còn biết đến với tên nem rán.

Chả giò miền Nam là sự kết hợp của thịt nạc, nấm mèo, miến, củ quả, trứng gà,... gói đầy đặn trong lá nem. 

Những miếng chả giò thơm ngon, giòn rụm và đặc biệt ngoài món chả giò nhân mặn còn có sự góp mặt của món chả giò nhân hoa quả.

Thịt kho hột vịt

Một món ăn quen thuộc trong mâm cỗ ngày Tết là món thịt kho (còn gọi là thịt kho hột vịt hoặc thịt kho nước dừa) và chỉ có ở miền Nam mới có cách nấu thịt kho ngon và hấp dẫn không ai sánh bằng. 

Thịt kho là thịt ba rọi thái thành miếng to cỡ 3 ngón tay ướp với các gia vị là nước mắm, đường, hành tỏi, ớt… Thịt được nấu sôi với nước dừa xiêm thì cho trứng đã luộc vào kho chung, ninh đến khi thịt mềm và nước trong nồi có màu cánh gián là được. 

Lạp xưởng

Lạp xưởng là món ăn phổ biến của của người dân miền Nam, người miền Nam mua hoặc tự làm lạp xưởng để ăn và đãi khách đến chơi như một món quà đầu năm đầy ý nghĩa.

Củ kiệu ngâm chua

Giống như món dưa hành ở miền Bắc, dưa món của người miền Trung, củ kiệu ngâm chua là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết của người miền Nam. Món ăn được chuẩn bị trước Tết khoảng 10 ngày. Khi ăn, mọi người thường ăn kèm củ kiệu muối chua với một ít tôm khô để món ăn thêm đậm đà và ngon miệng.

Trên đây là những món ăn cổ truyền có trong mâm cỗ ngày tết miền Nam. Các món ăn trong ngày Tết đã là phong tục đặc trưng của người Việt, mỗi vùng miền mang đến các món ăn khác nhau nhưng đều có 1 ý nghĩa rất lớn là sự tưởng nhớ đến tổ tiên, mọi người trong gia đình sum họp với nhau cùng thưởng thức hương vị các món ăn ngon của ngày Tết và cầu mong 1 năm mới hạnh phúc.

Bình luận (0)

Khám phá ý nghĩa của bánh chưng ngày tết

Bánh chưng là món ăn quen thuộc trong ngày Tết Nguyên Đán của Việt Nam nhưng nguồn gốc và ý nghĩa của bánh chưng là gì thì không phải ai cũng biết. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu ý nghĩa của món ăn truyền thống mang giá trị văn hóa, lịch sử này thông qua bài viết dưới đây.

Nguồn gốc của bánh chưng ngày Tết

Mỗi dịp Tết đến Xuân về, người Việt dù có đi đâu, ở đâu cũng sẽ quay về sum họp với gia đình và cùng nhau gói những chiếc bánh chưng xanh trong mâm cỗ Tết để cúng gia tiên. 

Có thể nói, bánh chưng trong tiềm thức người Việt là món ăn đặc trưng của dân tộc, là cảm giác háo hức thời ngồi canh nồi bánh chưng ấm cúng, hay đơn giản chỉ là bữa cơm gia đình ấm áp trong ngày đầu năm mới.

Bánh chưng xanh món ăn không thể thiếu ngày tết

Nguồn gốc và ý nghĩa của bánh chưng xuất hiện từ thời vua Hùng dựng nước và giữ nước. Theo sự tích truyền lại, nhân dịp đầu xuân năm mới, vua Hùng muốn truyền lại ngôi vị, nhưng chưa biết phải chọn ai trong các vị hoàng tử tài hoa. Chính vì thế, vua Hùng truyền chỉ, nếu ai dâng lên món quà vừa ý thì sẽ truyền lại ngôi vua.

Đến ngày dâng lễ, các hoàng tử đều dâng đủ các thứ sơn hào hải vị quý hiếm trên đời, duy chỉ có vị hoàng tử thứ 18 là Lang Liêu, mồ côi mẹ và cũng nghèo khó nhất vẫn lo lắng chưa biết dâng lễ gì. 

Đêm đó, hoàng tử Lang Liêu mộng thấy vị thần mách bảo “ Trời đất không có gì quý bằng hạt gạo, hãy lấy gạo nặn thành hình tròn và vuông tượng trưng cho đất trời, nhân bánh tựa công ơn sinh thành của cha mẹ.”

Hoàng tử Lang Liêu mừng rỡ, dâng lên vua cha bánh chưng - bánh . Đây chính là nguồn gốc của hai loại bánh truyền thống của đất nước ta.

Ý nghĩa của bánh chưng ngày Tết

Là một món ăn truyền thống của người Việt, bánh chưng được ví như linh hồn của bữa cơm ngày Tết. Bánh chưng được người Việt sáng tạo ra gắn liền với sự tích bánh chưng bánh dày.

Theo truyền thuyết, bánh chưng hình vuông, có góc cạnh và hình khối cụ thể thuộc âm, tượng trưng cho đất. Bánh dày hình tròn không có góc cạnh, hình khối cụ thể thuộc dương, tượng trưng cho trời nên có màu trắng và không nhân vị.

Bánh chưng âm dành cho Mẹ, bánh dày dương dành cho Cha. Bánh chưng bánh dày là món ăn trang trọng, cao quý nhất để cúng Tổ tiên, thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn, nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục to lớn và bao la như trời đất của cha mẹ.

Việt Nam gắn liền với nền văn minh lúa nước chính vì vậy từ xa xưa đời sống của người dân Việt đã phụ thuộc vào thiên nhiên rất nhiều. Thiên nhiên quyết định sự ấm no của con người. Bánh chưng được làm ra mỗi dịp Tết đến để thể hiện sự biết ơn với trời đất và mong muốn năm tiếp theo sẽ mưa thuận gió hòa, mùa màng được bội thu.

Ngoài ra, ý nghĩa của bánh chưng còn mang đến giá trị tinh thần rất lớn. Trong ngày Tết, hình ảnh gia đình ngồi quây quần bên nồi bánh chưng thật là đẹp và ý nghĩa. Tết sẽ không còn trọn vẹn nếu thiếu màu xanh của bánh chưng, cuộc sống dù có bộn bề đến đâu thì vài chiếc bánh chưng dâng lên bàn thờ gia tiên chắc chắn phải có. 

Thông thường các gia đình sẽ gói bánh chưng vào ngày 27 - 28 tháng chạp, đây là khoảng thời gian kết thúc công việc sau 1 năm vất vả để chuẩn bị mọi thứ cho ngày Tết. Đây chính là dịp để ông bà bố mẹ và các con cháu sum vầy trước không khí rạo rực của năm mới, bánh chưng chính là nét đẹp trong đời sống tinh thần của dân tộc ta. 

Trên đây là thông tin về ý nghĩa bánh chưng ngày Tết, hy vọng qua bài viết này bạn đọc có thể hiểu rõ hơn về nguồn gốc và ý nghĩa của món ăn truyền thống này.

Check list các món ăn ngày tết miền Bắc

Đối với người miền Bắc, mâm cỗ cúng ngày Tết đóng vai trò rất quan trọng vì thế luôn được các gia đình chăm chút rất kỹ lưỡng. Nền ẩm thực của người dân miền Bắc rất phong phú, nhưng những ngày Tết gia chủ luôn chuẩn bị những món ngon và đặc trưng nhất. Hãy cùng chúng tôi điểm danh những món đặc sản Tết miền Bắc trong bài viết dưới đây nhé.

Nhắc đến Tết, mọi người sẽ nghĩ ngay đến bữa cơm tất niên ngày cuối năm, mâm cơm cúng kiếng, đưa rước ông bà, bữa tiệc đoàn viên của gia đình, và là những món ngon được sẻ chia, mời mọc láng giềng, bạn bè. 

Chính vì lẽ đó, ẩm thực ngày Tết luôn là một nét văn hoá hết sức đa dạng, phong phú và mang đậm dấu ấn người dân Việt. Bên cạnh các món ăn truyền thống không thể thiếu trong ngày Tết, mỗi vùng miền sẽ có những đặc sản, những món truyền thống mang phong vị rất riêng của mình. Dưới đây là những món đặc sản Tết miền Bắc:

Bánh chưng, bánh tét 

Một trong những đặc sản Tết miền Bắc không thể không nhắc đến đó là bánh chưng. Bánh chưng hình vuông màu xanh thể hiện cho đất vuông, là sự kết tinh của đất trời và là truyền thống lâu đời của người Việt Nam từ thời Vua Hùng.

Bánh chưng có hương vị đặc biệt, là sự kết hợp của lớp vỏ nếp thơm, lớp đậu xanh ngọt bùi cùng với lớp thịt mỡ béo ngậy. Vào ngày 28 đến 30 tết, người dân miền Bắc sẽ gói bánh, luộc bánh cả ngày để có được những chiếc bánh chưng đẹp mắt này.

Giò chả

Có ý nghĩa là “trong ấm ngoài êm, phúc lộc đầy nhà”, một món ăn không thể thiếu của ẩm thực Việt. Món ăn này được làm từ thịt heo, giã nhuyễn trong cối đá và gói bằng lá chuối rồi luộc hay hấp chín. 

Khi ăn thái thành từng khoanh, miếng giò trắng mịn, giòn dai, thơm ngon không chỉ là món ăn ngon mà có thể dành tặng cho các thành viên trong gia đình mình.

Canh măng hầm

Bên cạnh các món ăn mặn ngọt đủ vị, thì người dân miền Bắc còn hầm sẵn một nồi canh măng.

Măng tre sau khi phơi khô, sẽ được hầm mềm cùng với thủ lợn, xương bò hoặc xương lợn. Nồi canh măng béo ngậy, có vị ngọt mềm của xương và măng sẽ khiến người người thích thú.

Bánh Gio hay còn gọi bánh tro

Bánh gio (bánh tro) là món bánh truyền thống của người dân miền Bắc. Bánh được làm với nguyên liệu chính là gạo nếp ngâm qua nước tro và gói lá đem luộc chín trong nồi. 

Bánh có vị lạt, mát dịu và thoang thoảng mùi tro vôi, mới ăn hơi lạ miệng sẽ là món ăn chống ngán, dễ tiêu cho những ngày Tết.

Chè kho được làm từ đậu xanh

Chè kho

Chè kho được làm từ đậu xanh không vỏ kết hợp với nếp, đường đỏ, nửa trái thảo quả, sấy khô, tán nhỏ rây thành bột mịn và muỗng cafe mè trắng rang chín và xát bỏ vỏ.

Chè kho là món ăn đặc sản thường thấy trong ngày Tết ở miền Bắc. Chè kho có vị ngọt, thơm và bổ dưỡng, ăn kèm trà nóng rất thích hợp với tiết trời se lạnh của những ngày Tết.

Thịt bò kho

Thịt bò kho là món ăn thường được chuẩn bị từ ngày 29-30 Tết. Món ăn này sử dụng thịt bò ướp chung với nước cốt tỏi, một ít mắm, muối rồi cuộn thịt ba chỉ cắt mỏng ở giữa, buộc chặt rồi chiên sơ và cho vào nồi kho. Thường món này thường được ăn kèm với bánh chưng hay cơm nếp.

Trên đây là những món đặc sản Tết miền Bắc, mỗi món ăn mang một màu sắc, hương vị và có ý nghĩa riêng của từng món. Các bạn hãy tự tay chế biến các món ăn ngon và hấp dẫn để góp phần thêm hương vị tươi vui trong không khí ngày Tết nhé. 

Ý nghĩa món gà luộc ngày tết

Tết Nguyên Đán là khởi đầu của một năm mới, là bắt đầu mới cho tất cả mọi công việc. Ngoài ra, tết còn là dịp đoàn tụ gia đình, tưởng nhớ ông bà tổ tiên. Vì thế, gia đình dù có khó khăn, người ta vẫn không thể qua loa việc chuẩn bị mâm cỗ cúng tổ tiên, mong tổ tiên phù hộ cho năm mới đầy đủ, ấm no và hạnh phúc. Trong đó, gà luộc là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết. Vậy ý nghĩa món gà luộc ngày Tết là gì và bí quyết làm sao để có đĩa gà cúng vàng ươm, trang trọng và đẹp mắt?

Gà cúng ngày tết

Ý nghĩa món gà luộc ngày Tết

Cành đào đỏ, nhánh mai vàng, bánh chưng bánh tét xanh, con gà luộc vàng là những sắc màu không thể thiếu trong những ngày Tết cổ truyền.

Không biết từ bao giờ mà món gà luộc đã trở thành món ăn không thể thiếu trong những dịp trọng đại, đặc biệt là ngày Tết. Có lẽ với niềm tin của phần đông người dân Châu Á, màu vàng mang đến nhiều điều may mắn và thuận lợi.

Năm mới là thời điểm của niềm hy vọng, lời chúc tốt đẹp cho nhau năm mới an, khang thịnh vượng. Gà luộc tượng trưng cho cuộc sống ấm no, an khang. Vì thế, khởi đầu một năm mới với món gà luộc vàng óng để gia đình bạn có được khởi đầu may mắn và cầu gì được nấy. 

Do đó, không biết từ khi nào, gà luộc được chọn làm món ăn khởi đầu cho năm mới nhiều may mắn.

Không chỉ ngày Tết cổ truyền, mà gà luộc còn là món chính trong các mâm cỗ quanh năm, bữa tiệc, ngày cưới hỏi, giỗ chạp. Có thể thấy gà luộc vàng ươm, thêm chút lá chanh xanh xắt nhỏ là món ăn tuyệt đối không thể thiếu trong cuộc sống của người Việt.

Bí quyết luộc gà đẹp mắt trong mâm cỗ ngày Tết

Luộc gà không khó nhưng cần có bí quyết thì món ăn mới ngon, da giòn, xương không bị vụn và màu sắc đẹp mắt.

  • Bước 1: Chọn gà cúng phải là gà trống tơ mào cờ đỏ tươi, chân vàng, ức đầy; nên chọn gà ta thì thịt sẽ dai và da vàng óng.

  • Bước 2: Tạo dáng gà luộc cánh tiên bằng cách bẻ gập 2 chân gà vào sát phía đùi gà và chỉ buộc cố định 2 chân gà lại. Để món luộc gà không bị nứt, sau khi làm sạch và sơ chế, cho gà vào nồi, thêm nước lạnh ngập gà rồi đặt lên bếp đun sôi. Với cách này, thịt gà sẽ chín dần từ ngoài vào trong, chín đều và da không bị nứt.

  • Bước 3: Luộc gà trong lửa lớn, đến khi nước sôi lên thì hạ nhỏ lửa để nước sôi từ từ. Đợi nồi gà luộc sôi khoảng 5 phút, bạn hạ nhỏ lửa hết cỡ và tiếp tục đun khoảng 5 phút rồi mới tắt bếp và đậy kín vung chừng 20 phút nữa. Thông thường, thời gian luộc chín gà trung bình 30 phút, nhanh hơn có thể 20 phút, còn nếu muốn gà chín đều, vàng óng thì phải luộc ở mức lửa nhỏ khoảng chừng 45 phút.

  • Bước 4: Sau khi luộc gà xong, bạn thả ngay vào trong thau nước càng lạnh càng tốt để da gà săn lại và căng bóng, cách này cũng giúp da gà giòn. Muốn da gà vàng ươm bạn hãy giã nát ít nghệ vàng rồi vắt lấy nước và trộn với mỡ gà đã rán vàng rồi quét một lớp mỏng lên da gà.

  • Bước 5: Khi bày gà luộc cúng lên đĩa, chúng ta nên đặt sao cho đầu gà hướng lên và ngậm thêm bông hoa hồng để thể hiện ước mong mọi điều được an lành, hạnh phúc

Ý nghĩa món gà luộc ngày Tết rất lớn, đem lại giá trị tinh thần và bản sắc riêng cho dân tộc. Cho dù cuộc sống hiện đại đến mấy thì mâm cỗ ngày Tết vẫn luôn mang ý nghĩa thiêng liêng trong mỗi tâm hồn Việt.